Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Kỹ thuật cách nuôi heo rừng thuần chủng

 Vài năm trở lại đây, ở một số tỉnh ở Đông Nam Bộ như Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Tp.HCM “mọc” lên những địa chủ nuôi heo rừng, có nơi còn nuôi với số lượng cả trăm con; còn nếu nói về số lượng nuôi lẻ tẻ vài con trong gia đình làm kiểng cũng không ít. Vì nhu cầu và giá cả của thị trường đã thu hút nhiều người đầu tư.

Kỹ thuật cách nuôi heo rừng thuần chủng

 Giống và đặc điểm giống heo rừng thuần chủng

Tên gọi: Heo rừng là giống heo hoang dã đang được thuần hóa ở Thái Lan, Việt Nam. Heo rừng, thường có hai nhóm giống: Nhóm giống mặt dài và nhóm giống mặt ngắn.


(Ảnh minh họa: Nongnghiep)

Vóc dáng:

Heo rừng cân đối, nhanh nhẹn, di chuyển linh hoạt, hơi gầy, dài đòn, lưng thẳng, bụng thon, chân dài, nhỏ và móng nhọn, cổ dài, đầu nhỏ, mõm dài và nhọn, tai nhỏ vểnh và thính, mũi rất thính và khỏe, da lông màu hung nâu, hung đen hay xám đen, một gốc chân lông có 3 ngọn, lông dọc theo sống lưng và cổ dày, dài và cứng hơn... Vai thường cao hơn mông, đuôi nhỏ, ngắn, chỉ dài đến khoeo. Con đực có răng nanh phát triển, con cái có 2 dãy vú, mỗi dãy 5 núm vú phát triển và nổi rõ.

Sinh trưởng phát triển và sinh sản:

Heo rừng thường đẻ mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 5-10 con, lứa đầu (con so) 3-5 con, lứa sau (con rạ) đẻ nhiều hơn (7-10 con). Trọng lượng heo sơ sinh bình quân 0,5-0,9 kg/con. Heo con có bộ lông sọc dưa (vệt lông màu vàng chạy dọc thân trên nền da màu đen hoặc nâu). Khi heo con trên 3 tháng tuổi, các vệt sọc dưa này không còn nữa. Trọng lượng bình quân lúc trưởng thành, con đực nặng 80- 100 kg, con cái nặng 50-70 kg...

Heo rừng 7-8 tháng tuổi, thể trọng 30-40 kg (với heo cái có thể cho phối giống, heo đực giống có thể cho phối giống trễ hơn 1 -2 tháng). Thời gian mang thai cũng như heo nhà (khoảng 114-115 ngày). Thời gian đẻ (từ con đầu đến con cuối) 1 - 2 giờ. Quá trình đẻ diễn ra tự nhiên, không cần sự giúp đỡ hoặc can thiệp của con người.

 Chọn giống và phối giống khi nuôi heo rừng thuần chủng

Chọn giống:

Chọn những con đầu thanh, ngực sâu, mình nở, hoạt bát, lưng thẳng, bụng gọn, bốn chân chắc khỏe, bộ phận sinh dục phát triển và hoạt động tốt. Nếu có điều kiện nên chọn lọc qua đời trước (dòng, giống bố mẹ, ông bà...), qua bản thân (ngoại hình, khả năng thích nghi, khả năng SX...) và qua đời sau.

Phối giống và thời điểm phối giống thích hợp:

Chu kỳ động dục của heo rừng là 21 ngày, thời gian động dục kéo dài 3-5 ngày. Thời điểm phối giống thích hợp vào cuối ngày thứ 2 hoặc đầu ngày thứ 3 (tùy theo giống, tuổi) cho nên cần theo dõi biểu hiện của heo lên giống. Khi âm hộ chuyển từ màu hồng tươi sang màu hồng tái, có nếp nhăn và dịch nhờn tiết ra nhiều, tai chĩa về phía trước, có phản xạ đứng im (mê ì) là thời điểm phối giống thích hợp nhất.

Bỏ qua 1-2 lần động dục đầu tiên, vì cơ thể chưa hoàn thiện, trứng rụng ít, phối giống, đậu thai hiệu quả thấp. Khi heo cái có dấu hiệu động dục ta cho heo đực tiếp xúc với heo cái. Heo đực sẽ phối giống liên tục, bất kể ngày đêm đến khi nào heo cái không chịu nữa mới thôi. Có thể cho phối kép 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều mát (hoặc ngược lại). Sau 21 ngày, heo cái không động dục trở lại, có thể heo cái đã có bầu.

Chuồng trại khi nuôi heo rừng thuần chủng

Chuồng trại rất đơn giản, tuy nhiên, phải nắm vững một số đặc điểm và tập tính của heo rừng để bố trí chuồng trại. Nên chọn chỗ đất cao và thoát nước tốt để nuôi. Chỗ nuôi nên có nguồn nước sạch, không những cung cấp đủ nước cho heo uống mà quan trọng hơn là nó sẽ duy trì được hệ thực vật phong phú và giữ được độ ấm thích hợp cho heo rừng.

Chuồng trại càng cách xa khu dân cư và đường sá càng tốt. Bản năng hoang dã đã đưa chúng vào tình trạng hết sức cảnh giác và luôn hoảng hốt bỏ chạy khi nghe có tiếng động.

Ta có thể nuôi heo rừng theo kiểu thả rông trong những khu vực có cây xanh, có rào che chắn xung quanh. Điều quan trọng là hệ thống hàng rào phải hết sức chắc chắn. Ta có thể vây lưới B40 thành các vườn nuôi tự nhiên, có móng kiên cố (vì heo rừng hay đào hang), mỗi vườn nuôi rộng 50-100m2 (tùy theo khả năng đất đai) trong đó có chuồng nuôi rộng 20-30m2 nuôi khoảng 4-5 heo cái trưởng thành, chúng sẽ sống và sinh sản trực tiếp trong khu vực này. Heo đực giống nuôi riêng, mỗi con một vườn, mỗi vườn nuôi rộng 40-50m2 trong đó có chuồng nuôi rộng 5-10m2. Chuồng nuôi, có mái che mưa, che nắng, cao trên 2,5m, nền đất tự nhiên, có độ dốc 2-3%... đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tránh nắng nóng, mưa tạt, gió lùa...

Với quy mô ban đầu nuôi 10 con (2 đực/8 cái) cần có 3 vườn nuôi. Hai vườn nuôi heo cái sinh sản, mỗi vườn rộng 50-100m2 trong đó có 2 chuồng nuôi, mỗi chuồng rộng 20-30m2. Một vườn nuôi heo đực giống rộng 40-50m2 trong đó có chuồng nuôi rộng 5-10m2...

Thức ăn và khẩu phần thức ăn khi nuôi heo rừng thuần chủng

Bao gồm, thức ăn thô xanh (các loại cỏ, cây, mầm cây, rễ cây ), thức ăn tinh (hạt ngũ cốc, củ quả), thức ăn bổ sung muối khoáng như tro bếp, đất sét, hỗn hợp đá liếm... Thực tế cho thấy, heo rừng thường tìm đến nương rẫy mới đốt kiếm tro, đất sét để ăn...

Khẩu phần thúc ăn cho heo rừng thông thường: 70% là rau, củ, quả các loại (có thể sản xuất tại trang trại), 30% là cám, gạo, ngũ cốc các loại, hèm bia, bã đậu... Mỗi ngày cho ăn 2 lần (sáng, chiều), một con heo lai trưởng thành tiêu thụ hết khoảng 2-3 kg thức ăn các loại.

Thức ăn cho heo rừng, do con người cung cấp có thể thiếu dinh dưỡng, nhất là đạm, khoáng và sinh tố... cho nên ngoài việc bổ sung thức ăn tinh giàu đạm, muối, sinh tố, cần thiết phải bổ sung thêm đá liếm cho heo rừng liếm tự do (lưu ý để nơi khô ráo, mát mẻ). Hỗn hợp đá liếm bổ sung khoáng có thể mua hay tự trộn theo tỷ lệ (muối ăn 100g; sắt sun phát 100g: đồng sun phát 50g; diêm sinh 100g; vôi tôi 1.000g... đất sét vừa đủ 3kg) cho heo liếm tự do cũng chỉ hết khoảng 20- 25 gam/con/ngày.

Thức ăn của heo rừng chủ yếu là thực vật. Không nên lạm dụng thức ăn giàu dinh dưỡng để nuôi heo rừng vì nó sẽ làm cho phẩm chất thịt của heo rừng bị biến đổi và nhiều khi làm cho heo bị bệnh rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy...

Heo ăn thức ăn xanh tươi ít uống nước, tuy nhiên cũng cần có đủ nước sạch và mát cho heo uống tự do. Hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại, dọn bỏ thức ăn thừa, rửa sạch máng ăn, máng uống...

 Chăm sóc nuôi dưỡng nuôi heo rừng thuần chủng

Heo đực giống:

Có ý nghĩa quan trọng trong việc gây đàn. Quản lý và chăm sóc tốt 1 heo đực có thể phối 5-10 heo cái. Heo đực giống phải nuôi riêng và có chế độ bồi dưỡng, nhất là thức ăn tinh giàu đạm, khoáng, sinh tố. Ngày phối giống nên bổ sung thêm thức ăn tinh giàu dinh dưỡng, 1 -2 quả trứng gà, muối khoáng, sinh tố cho ăn tự do.

Heo cái giống:

Heo rừng mắn đẻ và khéo nuôi con (nuôi con rất giỏi). Trong tự nhiên, khi đẻ heo mẹ tự chăm sóc, nuôi dưỡng con cái và tự tách bày khi con lớn.

Heo rừng sinh sản tự nhiên quanh năm. Thời gian mang thai cũng 3 tháng, 3 tuần, 3 ngày (114 -115 ngày) thì đẻ.

Đối với heo nái mang thai, 2 tháng đầu mang thai cho ăn khẩu phần thức ăn bình thường rau, củ, quả hạt ngũ cốc các loại... có thể bổ sung thêm thức ăn tinh hỗn hợp, 15g muối, 20g khoáng mỗi ngày. Sau 2 tháng đến khi đẻ cần thiết phải bổ sung thêm thức ăn tinh giàu dinh dưỡng, nhất là đạm, khoáng, sinh tố... Ngày heo đẻ có thể cho heo ăn cháo loãng, ít muối, ít rau xanh để đề phòng sốt sữa.

Đối với heo nái nuôi con, khẩu phần thức ăn phải đảm bảo số lượng, chất lượng và chủng loại... Khi heo con được 1,5-2 tháng tuổi, đã ăn được thức ăn do con người cung cấp thì cho mẹ ăn khẩu phần ăn bình thường. Không nên phối giống cho heo mẹ động dục trong thời kỳ nuôi con, vì khó thụ thai hoặc thụ thai nhưng số lượng và chất lượng heo con sinh ra không đạt yêu cầu.

Heo con:

Heo con không cần đỡ đẻ, cắt rốn, chỉ khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ heo con đã có thể đứng dậy bú mẹ. 15- 20 ngày chạy lon ton và bắt đầu tập ăn cỏ, cây: Heo con được 1,5-2 tháng tuổi đã cứng cáp, ăn được thức ăn do con người cung cấp thì cai sữa, tách bầy làm giống.

Heo sơ sinh có thể đạt 300- 500 gr/con, 1 tháng tuổi 3-5 kg, 2 tháng tuổi 8-10 kg, 6 tháng tuổi 25-30 kg, 12 tháng tuổi có thể đạt 60-70% trọng lượng trưởng thành. Với cách nuôi và chế độ dinh dưỡng thông thường, sau 6 tháng nuôi, heo con có thể đạt trọng lượng 25- 30 kg và bán thịt.Để heo con sinh trưởng, phát triển tốt, nên tạo điều kiện cho heo con bú sữa đầu càng sớm, cảng tốt, chậm nhất 1 -2 giờ sau khi sinh. Hàng ngày, nên cho heo con vận động và tiếp xúc gần gũi với con người.

Công tác Thú y khi nuôi heo rừng thuần chủng

Heo rừng là động vật hoang dã mới được thuần hóa, nên sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, heo rừng cũng thường bị một số bệnh như Dịch tả, tiêu chảy, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, bệnh sán lá, bệnh ghẻ lở và một số bệnh thông thường khác...

Bệnh về đường tiêu hoá (như sình bụng, đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc thức ăn...): Khi heo rừng mắc một số bệnh về đường tiêu hoá có thể dùng các loại thuốc trị đau bụng, sình bụng, đầy hơi, khó tiêu cho uống hay chích hoặc có thể dùng 5-10 kg rau dừa dại cho heo ăn hoặc có thể bổ sung thức ăn, nước uống đắng, chát như ổi xanh, cà rốt, rễ cau, rễ dừa... cũng có thể khỏi. Để phòng bệnh, thức ăn phải đảm bảo vệ sinh, đầy đủ dinh dưỡng và không nên sử dụng các loại thức ăn hôi thối, ẩm mốc...

Chấn thương cơ học: Chấn thương nhỏ thì rửa sạch và bôi thuốc sát trùng, chấn thương lớn thì rửa sạch, sát trùng trước và sau khi khâu, chích kháng sinh tổng hợp như Ampicyline, Tetracyline hoặc (Peniciline + Streptomycine)... Da heo rừng có khả năng tái sinh nhanh nên chóng lành.

Sưng phổi: Heo bị sưng phổi thường sốt cao, biếng ăn, bỏ ăn. Điều trị bằng kháng sinh tổng hợp.

Táo bón: Có thể cho uống thuốc nhuận tràng hoặc cho ăn thức ăn nhuận tràng...

Ký sinh trùng đường ruột: Heo bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột thường còi cọc, chậm lớn, trong phân có ấu trùng giun, sán. Cần thiết phải xổ sán lãi cho heo.

Ký sinh trùng ngoài da: Ve (bét), mò, ghẻ, ruồi muỗi... bám trên da hút máu và truyền bệnh ít khi xảy ra. Do đặc tính hoang dã nên heo rừng không sợ muỗi hay côn trùng khác tấn công. Tuy nhiên, khi heo bị bệnh ký sinh trùng ngoài da, ta có thể dùng thuốc sát trùng bôi hay xịt đều có tác dụng tốt. Để phòng bệnh ký sinh trùng ngoài da, ta nên định kỳ vệ sinh sát trùng chuồng trại và môi trường xung quanh sạch sẽ.

Giá trị và thị trường:

Giống heo này có những ưu việt: Thịt thơm ngon rất đặc trưng, da mỏng và giòn, nhiều nạc, ít mỡ, hàm lượng cholesterol thấp người tiêu dùng rất ưa chuộng nên bán được giá cao... Chi phí đầu tư thấp, tiêu tốn thức ăn ít, thời gian nuôi ngắn, dễ nuôi, sinh sản tốt, tỷ lệ sống cao và ít bệnh... 

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

Kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt sạch bằng men ủ vi sinh

 Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt sạch bằng men ủ vi sinh trên nền đệm lót sinh học đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh có thể xảy ra cho người và vật nuôi.

Với quy trình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, lợn được vận động nhiều, thịt chắc khỏe, tỷ lệ nạc cao, có màu sắc đẹp, có mùi vị thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ vậy, đệm lót sau thời gian 2-3 năm còn có thể tái sử dụng làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch.

Nuôi lợn thịt sạch bằng men ủ vi sinh
Ảnh minh họa: (Vũ Sinh/TTXVN)

Chăn nuôi lợn thịt sạch theo phương pháp này đảm bảo vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh có thể xảy ra cho người và vật nuôi nhờ thiết kế chuồng hở, mái cao, thoáng.

Ngoài ra, đệm lót lên men được sản xuất chủ yếu từ trấu, mùn cưa không độc tố, cát và chế phẩm sinh học, giúp phân hủy tốt chất thải tại chỗ, không gây mùi hôi thối cũng như ảnh hưởng xấu tới không khí, nguồn nước.

Thực phẩm lên men được trộn cùng bã bia cho lợn ăn, hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp. Nhờ vậy, tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho thức ăn chăn nuôi, lợn lại có thể tăng dinh dưỡng, đảm bảo chất lượng thịt thương phẩm an toàn, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chuẩn bị đệm lót sinh học khi nuôi lợn thịt sạch bằng men ủ vi sinh

Độ dày của đệm lót thay đổi theo mùa, mùa hè 40 - 60 cm, mùa đông 60 - 90 cm. Độ dày của đệm lót giảm dần do lợn dẫm lên trong quá trình di chuyển, nên khi làm mới thường tăng thêm khoảng 20%.

Chất độn làm đệm lót là một số loại mùn bột nhỏ như mùn cưa; trấu, vỏ hạt bông, lạc, thân cây bông, lõi ngô, thân cây ngô nghiền kết hợp với trấu. Để chuẩn bị cho chuồng lợn có diện tích 20 m2, độ dày của đệm lót khoảng 60 cm, phải chuẩn bị 200 lít dung dịch lên men, 5 kg bột ngũ cốc.

Dung dịch lên men trước 1 - 2 ngày, cho 1 kg men gốc, 10 kg bột ngũ cốc, thêm 200 lít nước sạch, khuấy đều, đậy kín, để chỗ ấm 24 giờ, mùa đông có khi kéo dài đến 48 giờ. Sau đó, lấy khoảng 2 lít dung dịch lên men đã được chuẩn bị trộn ẩm, đều sau đó để chỗ ấm. Sau 5 - 7 giờ, rải lớp trấu dày khoảng 30 cm, dùng vòi phun mưa, cào đều đến khi độ ẩm đạt khoảng 40%, tưới đều 100 lít dung dịch men. Tiếp tục dải 30 cm bột mùn, phun nước sạch đến khi đạt độ ẩm 20%, rải đều bột ngũ cốc lên bề mặt của lớp bột mùn. Tưới đều 100 lít dung dịch lên men còn lại lên bề mặt. Làm phẳng toàn bộ lớp mặt mùn cưa, phủ bạt kín. Sau vài ngày, dưới độ 30 cm lớp đệm lót có nhiệt độ khoảng 400C, có mùi thơm nhẹ của rượu, bỏ lớp bạt, cào nhẹ lớp bề mặt khoảng 20 cm, khoảng 1 ngày sau thì thả lợn vào.

Nuôi lợn sạch
Độ dày của đệm lót thay đổi theo mùa

Kỹ thuật ủ thức ăn bằng men vi sinh để nuôi lợn thịt sạch

Phương pháp lên men ướt

Thường sử dụng cám ngô và cám gạo lên men làm thức ăn cho lợn. Để lên men 100 kg cám ngô và cám gạo thực hiện như sau: Lấy 0,5 kg men, 4 kg cám ngô hòa vào trong thùng đựng 100 lít nước sạch, khuấy đều trong 1 giờ. Trộn đều cám ngô còn lại và cám gạo, từ từ cho đến hết, thấy nước hơi ngập mặt cám là được. Khi đổ cám vào thùng, không đổ đầy, để cám cách miệng thùng khoảng 15 - 20 cm, tránh sau khi lên men thức ăn bị đầy, nổi lên trên và tràn ra ngoài. Để hở miệng thùng sau 4 - 5 giờ thì đậy kín. Nhiệt độ trên 300C, thời gian lên men khoảng 24 giờ, nhiệt độ dưới 300C thời gian lên men khoảng 24 - 28 giờ, khi thức ăn chua nhẹ, thơm nhẹ là được. Vào mùa hè, thức ăn sau khi ủ men vi sinh chỉ nên cho lợn ăn trong khoảng 2 ngày. Trong quá trình sử dụng hạn chế mở nắp thùng, tránh hiện tượng thức ăn bị nhiễm nấm.

Phương pháp lên men khô ẩm

Đòi hỏi điều kiện lên men chặt chẽ hơn, chỉ sử dụng được các loại cám, bột để làm thức ăn lên men. Để lên men 100 kg cám ngô, gạo thực hiện như sau. Lấy 0,5 kg men vi sinh và 2 kg cám ngô hòa vào thùng chứa 40 - 45 lít nước, 10 - 15 phút khuấy đều 1 lần, trong 1 giờ. Trộn đều cám ngô và cám gạo, tưới đều nước men lên, trộn cho đến khi cám ẩm đều. Xúc vào thùng hoặc bao ni lon, không nén chặt, để hở miệng 5 - 6 giờ thì đậy kín miệng. Nhiệt độ trên 300C, thời gian lên men khoảng 24 - 36 giờ; nhiệt độ dưới 300C, thời gian lên men khoảng 36 - 48 giờ. Chú ý khi lên men không sử dụng bao nilon, thùng bị thủng, hạn chế mở miệng bao, nắp thùng, tránh thức ăn bị nấm mốc.

Phương pháp sử dụng thức ăn

Sử dụng thức ăn lên men vi sinh trộn thêm thức ăn công nghiệp để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để lợn tăng trọng nhanh hơn. Chọn loại thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein trên 45%. Chỉ trộn thức ăn lên men với thức ăn công nghiệp trước khi cho ăn. Sau khi trộn có thể để nguyên dạng khô hoặc trộn thêm nước thành dạng lỏng để cho lợn ăn, tùy vào thói quen.

Thành phần phối trộn thức ăn ủ men với thức ăn công nghiệp thay đổi theo kiểu lên men, giống lợn và giai đoạn phát triển.

Lợn lai F1

Lợn trọng lượng dưới 15 kg: Phối trộn với tỷ lệ 1 phần thức công nghiệp với 4 - 5 phần thức ăn lên men ướt hoặc 4 - 5 phần thức ăn lên men khô. Cho ăn với lượng 0,7 - 1,1 kg/con/ngày với thức ăn lên men ướt; 0,5 - 0,8 kg/con/ngày với thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng 16 - 30 kg: Phối trộn tỷ lệ 1 phần thức ăn công nghiệp với 6 - 7 phần thức ăn lên men ướt hoặc 5 - 6 phần thức ăn lên men khô. Cho ăn 1,2 - 1,7 kg/con/ngày với thức ăn lên men ướt; 0,8 - 1,2 kg/con/ngày với thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng 31 - 60 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 7 - 8 phần thức ăn lên men ướt và 6 - 7 phần thức ăn lên men khô. Cho ăn với lượng 1,7 - 3,4 kg/con/ngày với thức ăn lên men ướt và 1,7 - 2,3 kg/con/ngày với thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng trên 61 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 9 phần thức ăn lên men ướt hoặc 8 phần thức ăn lên men khô. Lượng thức ăn 3,4 - 4 kg/con/ngày với thức ăn lên men ướt; 2,3 - 3 kg/con/ngày với lượng thức ăn lên men khô.

Lợn siêu nạc

Lợn trọng lượng dưới 15 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 4 - 5 phần thức ăn lên men ướt hoặc 3 - 4 phần thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng 16 - 30 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 5 - 6 phần thức ăn lên men ướt hoặc 4 - 5 phần thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng 31 - 60 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 6 - 7 phần thức ăn lên men ướt hoặc 5 - 6 phần thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng trên 61 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 8 phần thức ăn lên men ướt hoặc 7,5 phần thức ăn lên men khô.

Lượng thức ăn tương tự như lợn lai F1.

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

Ấn tượng mô hình lúa - cá - vịt

 Cấy lúa Hà Phát 3 theo hướng hữu cơ kết hợp thả cá và chăn vịt, người nông dân đã cải thiện kinh tế đáng kể khi mỗi năm thu về 1 tỷ đồng.

Giống lúa Hà Phát 3 nhiều ưu điểm

Giống lúa thuần Hà Phát 3 do Công ty Cổ phần Công nghệ cao Hà Phát chọn lọc và làm thuần từ các cá thể có nhiều đặc điểm nông học tốt trong nguồn vật liệu nhập ngoại. Giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức ngày 21 tháng 06 năm 2019 theo QĐ số 2373/QĐ-BNN-TT tại các tỉnh phía Bắc, Duyên hải Nam trung bộ và Tây Nguyên. Bà con nông dân đã biết đến và sản xuất đại trà giống lúa nhiều ưu điểm này suốt 2 năm nay.

Giống lúa đã qua khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất và sản xuất thử tại các tỉnh phía Bắc, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Kết quả cho thấy Hà Phát 3 có nhiều ưu điểm như: Ngắn ngày, thời gian sinh trưởng trong vụ Xuân tại miền Bắc từ 115 - 134 ngày, vụ Mùa từ 102 - 108 ngày. Tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên thời gian sinh trưởng trong vụ Đông Xuân từ 105 - 112 ngày, vụ Hè Thu từ 90 - 97 ngày.

Giống có dạng hình đẹp, cứng cây, lá đứng, sinh trưởng phát triển tốt, trỗ bông tập trung, bông to, nhiều hạt, hạt xếp sít. Giống Hà Phát 3 có tiềm năng năng suất cao. Năng suất thực thu tại các điểm sản xuất thử trong vụ Đông Xuân, Xuân, đạt từ 66,9 - 85,1 tạ/ha. Trong vụ Hè Thu, vụ Mùa năng suất đạt từ 56,8 – 75,9 tạ/ha.

Gạo Hà Phát 3 trắng trong, ít bạc bụng, tỷ lệ gạo xát cao từ 68,24 - 69,71%. Chất lượng cơm gạo của Hà Phát 3 phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Giống có khả năng chịu rét, chịu nóng và chống đổ khá, thích ứng với chân đất từ vàn trũng đến vàn cao, có thể gieo trồng trong các thời vụ chính của các vùng trồng lúa từ Tây Nguyên trở ra các tỉnh phía Bắc.

Giống lúa Hà Phát 3 có đặc tính ổn định và cho năng suất cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Giống lúa Hà Phát 3 có đặc tính ổn định và cho năng suất cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Đỗ Tường, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ cao Hà Phát, trong bối cảnh hiện nay rất nhiều nông dân ở những vùng khu công nghiệp không có điều kiện thâm canh lúa như những vùng thuần nông khác. Thế nên họ sẽ ưu tiên sử dụng giống lúa này vì tính ổn định và năng suất khá cao.

“Với những vùng trang trại sản xuất lớn cũng không có điều kiện chăm sóc kĩ lưỡng như các hộ nông dân nhỏ lẻ thì sử dụng giống này sẽ tiết kiệm nhiều công sức, đặc biệt là chi phí của thuốc trừ sâu mà năng suất vẫn ổn định. Thị trường hiện nay chấp nhận và các thương lái thu mua sản phẩm từ lúa Hà Phát 3 rất nhiều”, ông Đỗ Tường cho hay.

Mô hình cấy lúa, thả cá, chăn vịt

Với 50 mẫu ruộng cấy lúa Hà Phát 3, ông Trịnh Việt Chiến (xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đánh giá giống lúa này có năng suất cao hơn những giống lúa khác.

Cùng kinh nghiệm làm nông nghiệp nhiều năm, ông Chiến nhận định giống lúa Hà Phát 3 có nhiều ưu điểm hơn so với các loại giống lúa thuần khác như: giữ được bộ lá, năng suất vượt trội, đặc biệt khả năng chống chịu sâu bệnh cực kì tốt, ngay cả khi sản xuất theo hướng hữu cơ, ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh.

“Thời tiết năm nay rất thuận lợi cho nông nghiệp. Thời điểm lúa sinh trưởng, phát triển thì lại có mưa nhưng mưa không quá nhiều mà chỉ vừa đủ để lúa phát triển. Ruộng lúa Hà Phát 3 của tôi năm nay cho năng suất khoảng 3 tạ/sào (quy khô khoảng 2,5 tạ/sào). Thế nhưng kể cả những năm thời tiết không được thuận lợi thì giống Hà Phát 3 vẫn mang lại năng suất khá”, ông Chiến chia sẻ.

Kết hợp cấy lúa, thả cá, chăn vịt, người nông dân thu về 1 tỷ 1 năm. Ảnh: Phạm Hiếu.


Trong 50 mẫu ruộng cấy lúa Hà Phát 3, ông Chiến đã mạnh dạn sản xuất 27 mẫu theo hướng hữu cơ. Và 27 mẫu ruộng sản xuất theo hướng hữu cơ ấy đã mang lại cho người nông dân hiệu quả và năng suất cao hơn mọi năm rất nhiều.

Gia đình ông Chiến sản xuất lúa dùng phân hữu cơ nên có thể thả được cá và nuôi được vịt. 27 mẫu ruộng người nông dân thả khoảng 3.000 – 4.000 con cá chép. Tốc độ sinh trưởng của cá rất tốt. Chỉ trong vòng 2 tháng cá đã tăng trọng lượng từ 3 lạng lên 6 lạng. Cá được thả ở ruộng lúa cho chất lượng thịt chắc, thơm và rất ngọt.

Áp dụng mô hình sản xuất mạ khay máy cấy, người nông dân xã Ninh Khang đã kết hợp cả chăn nuôi vịt. Việc kết hợp nuôi vịt trong ruộng lúa đã giúp ông Chiến giải quyết được vấn đề sâu bệnh mà không cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật.

“Mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích về mặt chất lượng sản phẩm và giúp môi trường xanh sạch hơn mà còn đem lại lợi ích về kinh tế rất lớn cho người nông dân. Mỗi năm tôi cấy lúa, thả cá, nuôi vịt 2 vụ, mỗi vụ thu về 500 triệu đồng. Thế nên tôi mong muốn những mô hình nông nghiệp hiệu quả như này sẽ được nhân rộng hơn nữa để người nông dân cải thiện được kinh tế cũng như đời sống”, ông Trịnh Việt Chiến bày tỏ.

“Mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ mang lại rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, mô hình theo hướng hữu cơ sử dụng các giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt thì khả năng thành công rất cao vì dù sao trên đồng ruộng vẫn có tỉ lệ sâu bệnh nhất định. Việc giống lúa có khả năng chống chịu được sâu bệnh thì cho dù ít can thiệp hóa chất cũng vẫn đảm bảo được năng suất ổn định.

Thứ hai, mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ đảm bảo cho việc môi trường nông nghiệp ngày càng được cải thiện hơn.

Thứ ba là mô hình kết hợp cả lúa, cá, vịt sẽ mang lại hiệu quả kinh tế ổn định và cao hơn nhiều cho người nông dân nhiều lần so với việc chỉ trồng lúa đơn thuần", ông Đỗ Tường, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ cao Hà Phát.

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2020

Kỹ thuật cách nuôi ếch đồng

 Nguồn ếch đồng ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu vẫn gia tăng, nhiều trại sản xuất ếch giống trên địa bàn trên cả nước đã đi vào hoạt động và mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn kỹ thuật nuôi ếch.

Hướng dẫn cách nuôi ếch đồng

Chọn giống ếch

Hiện nay bà con nông dân ở nhiều địa phương trong cả nước nuôi chủ yếu là giống ếch đồng (ếch nội), giống ếch này, thích nghi cao với điều kiện khí hậu nước ta, có sức sống khoẻ, ít bị bệnh hại, dễ nuôi, được thị trường trong nước và nước ngoài chấp nhận. Ếch trưởng thành sau 5-6 tháng nuôi có trọng lượng trung bình 100-120g/con.

Ếch đồng thích nghi cao với điều kiện khí hậu nước ta, có sức sống khoẻ, ít bị bệnh hại.
Ếch đồng thích nghi cao với điều kiện khí hậu nước ta, có sức sống khoẻ, ít bị bệnh hại.

Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng ếch đồng

Điều kiện nuôi ếch đẻ là, vườn hoặc ao có diện tích >50m2; có nguồn nước sạch, chủ động cấp, thoát; xây tường gạch cao 1,5-1,7m bao kín xung quanh, chống ếch nhảy ra ngoài; làm hang nhân tạo cho ếch trú ẩn; trồng nhiều cây xanh xung quanh nơi nuôi ếch để tạo bóng mát cho ếch trú nắng. Nếu nuôi ếch bằng ao thì thả bèo tây hoặc trồng rau muống 2/3 diện tích mặt nước. Trong vườn thắp nhiều ánh sáng vào buổi tối và trồng nhiều cây hoa (hấp dẫn côn trùng ban ngày, côn trùng hướng quang bay đến ban tối làm thức ăn bổ xung cho ếch).

Phân biệt giới tính ếch như sau, ếch đực có hai chấm đen ở hàm dưới, hai bên hầu. Bàn chân trước nháp hơn, ngón chân trước có mấu thịt hoá sừng. Da màu xám, không nhẵn bóng như con cái, ếch đực thường nhỏ hơn ếch cái nếu cùng độ tuổi, cùng chế độ nuôi dưỡng.

Ếch cái không có đặc điểm như ếch đực, đến mùa sinh sản ếch cái có bụng to, mềm hơn ếch đực.

Mật độ thả: Ếch con, loại có trọng lượng 5-10g/con: 40-60 con/m2. Sau mỗi tháng tuổi, ếch tăng trọng nhanh, diện tích nuôi cần dãn ra, tăng dần. Khi thu hoạch, diện tích lớn gấp 3-4 lần diện tích lúc thả ban đầu.

Chuẩn bị giá thể: Các giá thể thường dùng trong nuôi ếch: Lục bình, rau muống (nuôi ao), tấm nhựa nổi, bè tre, tấm nylon đục lỗ… nhằm giúp ếch lên bờ cư trú và tìm thức ăn. Giá thể không vượt quá 1/3 - 1/2 hệ thống nuôi.

Thức ăn cho ếch

Ếch sử dụng một số loài thức ăn tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như: Giun, tép, ốc tôm, cá con, cua, châu chấu, cào cào…., ếch còn ăn các loại cám gạo, bột ngô, bột ngũ cốc trộn với cá, tôm, tép, lươn, chạch…

Thức ăn viên: Tại Việt Nam chưa có thức ăn chuyên cho ếch. Có thể sử dụng thức viên nổi cho cá da trơn hay cá rô phi của các công ty như: PROCONCO, CARGILL, BLUE STAR, UNIPRESIDENT, C.P, LÁI THIÊU... Thức ăn viên nổi có kích cỡ và hàm lượng đạm (protein) thay đổi theo kích cỡ hay tuổi của ếch nuôi. Hàm lượng protein trong thức ăn dao động từ 22 - 35 % (37 %).

  • Giai đoạn 3 ngày tuổi (Thức ăn tự nhiên, tươi sống và 35, 37 % đạm)
  • Giai đọan 15 ngày tuổi (Thức ăn có 35 % đạm)
  • Giai đọan 45 ngày tuổi (Thức ăn có 30 % đạm)
  • Giai đọan 90 ngày tuổi (Thức ăn có 25 % đạm)
  • Giai đọan nuôi thương phẩm (Thức ăn có 22 % đạm)

Chăm sóc khi nuôi ếch đồng

Lượng cho ăn điều chỉnh hàng ngày tùy theo sức ăn của ếch. Có thể cho ăn theo bảng sau:

  • 7 - 10% trọng lượng thân (ếch 3 - 30g)
  • 5 - 7% trọng lượng thân (ếch 30 - 150g)
  • 3 - 5% trọng lượng thân (ếch trên 150g)

Số lần cho ăn:

  • Ếch (3 - 100g): Cho ăn 3 - 4 lần/ngày. Chiều tối và ban đêm cho ăn nhiều hơn.
  • Ếch trên 100g: Cho ăn còn 2 - 3 lần/ngày.

Ếch ăn mạnh vào chiều tối và ban đêm hơn ban ngày (lượng thức ăn vào chiều tối và ban đêm gấp 2 - 3 lượng thức ăn ban ngày). Định kỳ bổ sung Vitamin C và men tiêu hóa để giúp ếch tăng cường sức khỏe và tiêu hoá tốt thức ăn.

Buổi tối, thắp đèn sáng 18-21 giờ, để thu hút côn trùng hướng quang bay tới làm thức ăn bổ xung cho ếch.

Hàng ngày phải theo dõi tình hình sinh trưởng của ếch, ếch khoẻ mạnh nhanh nhẹn, hoạt bát. Khi bị bệnh ếch thường chậm chạp, ăn ít hoặc không ăn, cần có biện pháp chữa trị kịp thời.

Trước khi thu hoạch, cần vỗ béo cho ếch trong 30 ngày. Thời điểm này cho ếch ăn khẩu phần ăn tăng cường thêm chất đạm là 30% thịt cá + 70% thức ăn bột ngũ cốc + 0,2% B.Complex.

 Phòng trị một số bệnh hại ếch

Phòng bệnh: Khi môi trường nuôi dưỡng bị ô nhiễm do nguồn nước bẩn, thức ăn thừa thối rữa,... Đầu tiên ếch bị bệnh ngoài da, sau đó bị nhiễm trùng, ếch bị trướng bụng hoặc trên da bị lở loét, không ăn, sau vài ngày sẽ chết.

Thường xuyên thay nước (5-7ngày/lần) sạch cho ếch. Vệ sinh khử trùng toàn bộ khu vực nuôi ếch sau khi thu hoạch và trước khi thả ếch giống bằng các loại thuốc khử trùng mới như: Virkon; Oxidan-tca; Han-Iodine; Benkocid... Các loại thuốc này cần phải luân phiên nhau khi dùng để tránh hiện tượng quen thuốc của vi trùng.

Loại bỏ những con bị chết ra khỏi khu vực nuôi. Tránh tiếng động, tiếng ồn to, đột ngột làm ếch bị Stress ăn kém và dần dần bị bệnh.

Đề phòng chuột, rắn hại ếch.

Điều trị một số bệnh thường gặp khi nuôi ếch đồng

Bệnh chướng hơi: triệu chứng bụng ếch phình to, da nhợt nhạt, ăn ít, sau không ăn và chết khi nhiễm bệnh 5-7 ngày. Điều trị, thay nước mới. Trộn Penicilin với lượng 1-2 triệu đơn vị/ 5 lít nước sạch, tắm cho 2-3kg ếch/lần/ngày (cho ếch ngâm 30phút).

Bệnh đường ruột: Khi bị bệnh hậu môn ếch bị đỏ, bóp nhẹ thấy máu đỏ chảy ra. Phân sống, màu trắng. Trị bệnh cho 1 viên thuốc Ganidan nghiền nhỏ trộn với thức ăn cho 3-5kg ếch ăn/ngày.

Bệnh đốm đỏ vi khuẩn: Bệnh thường có dấu hiệu ở đùi, ban đầu vết bệnh nhỏ như đầu đinh ghim, sau vài ngày bị lở loét.

Trị bệnh

Thay nước trong khu vực nuôi, dùng thuốc sunfat đồng (phèn xanh) pha nồng độ 5% phun khắp khu vườn và tắm cho ếch 10-15 phút trong nước sunphát đồng nồng độ 0,5-0,7%.

Bệnh trùng bánh xe: Triệu chứng ban đầu da ếch tiết ra nhiều chất nhờn, tạo ra những điểm màu trắng bạc, sau đó vết bệnh lan rộng, ếch kém ăn và chết sau 7-10 ngày nhiễm bệnh. Bệnh trùng bánh xe thường hay bị khi thời tiết nắng nóng.

Chữa bệnh: Thay nước mới, dùng CuSO4 (sunphat đồng) nồng độ 0,5-0,7% hoặc nước muối 2-3% , tắm cho ếch trong 10-15 phút.

 Thu hoạch khi nuôi ếch đồng

Sau khi nuôi được 5-6 tháng, khi ếch đạt trọng lượng 100-120g/con thì thu hoạch, đem bán buôn, bán sỉ cho khách hàng.

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

Kỹ thuật nuôi gà Mía

 Gà Mía là giống đặc sản có nguồn gốc ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) gắn liền với những địa danh tiêu biểu của xứ Đoài như chợ Mía, chùa Mía.

Hướng dẫn nuôi gà Mía đơn giản, nhanh chóng

Chọn giống gà Mía

Ngoại hình chuẩn của gà Mía con trống có lông mã mận, con mái có lông màu lá chuối khô. Trong nhóm các giống gà thân to của Việt Nam như Đông Tảo, Mía, Hồ, chọi, Móng… thì gà Mía được đánh giá có thân thịt đẹp và chất lượng thơm ngon.

Nếu như 10-15 năm trước đây người ta chuộng gà Mía lai vì tăng trọng nhanh nhưng giờ lại thích gà Mía thuần vì chất lượng thịt tốt hơn. Có nhiều hình thức nuôi giống gia cầm đặc sản này nhưng phổ biến hơn cả là chăn thả và bán chăn thả.

Gà mía

Gà Mía thường được nuôi kiểu chăn thả và bán chăn thả.

Cách nuôi gà Mía

Từ 1-6 tuần tuổi, gà được úm trong khu vực riêng bằng cách dùng bóng đèn tròn 75W cho 1m2 chuồng có che chắn để giữ nhiệt. Tùy theo nhiệt độ ngoài trời mà tăng giảm lượng nhiệt bằng cách nâng hoặc hạ độ cao của bóng đèn.

Người chăn nuôi cần chú ý, thấy gà nằm tụ quanh bóng đèn là bị lạnh, tản xa bóng đèn là bị nóng, nằm tụ ở góc chuồng là bị gió lùa và gà đi lại ăn uống thoải mái là nhiệt độ thích hợp. Nên thắp sáng suốt đêm cho gà trong giai đoạn này để chúng ăn nhiều thức ăn hơn đồng thời giữ ấm và xua đuổi các con vật khác tấn công.

Sau giai đoạn úm là có thể nuôi nhốt trong chuồng thông thoáng tự nhiên với nền trải đệm lót trấu, mật độ từ 21 -18 con/m2 ( mới nở đến 3 tuần tuổi) và từ 18 – 10 con/m2 (từ 4 - 8 tuần tuổi). Từ tuần tuổi thứ 9 trở đi, gà bắt đầu được thả dần ra vườn khi có thời tiết ngoài trời khô và ấm, mật độ thả 1,5 m2/con; mật độ này giảm dần theo độ tuổi của gà. Khu vực thả xung quanh được rào lưới hoặc xây kín.

Trên 15 ngày người chăn nuôi có thể cho gà ăn bằng máng đặt hoặc treo xen kẽ giữa các máng uống với các máng ăn trong vườn. Chú ý vét hết thức ăn thừa sau mỗi ngày và thay nước sạch cho gà thường xuyên khoảng 2 lần/ngày. Tập tính của gà thường thích tắm cát nên có thể xây bể chứa cát cho chúng tắm cát hay đặt một số máng cát, sỏi hoặc đá nhỏ xung quanh để cho chúng ăn giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Gà cũng có tập tính thích ngủ trên cao vào ban đêm để tránh kẻ thù và tránh ẩm cho đôi chân, tránh nhiễm bệnh nên tạo một số dàn đậu trong chuồng bằng tre, bằng gỗ nhưng không được quá trơn nhẵn. Dàn cách nền chuồng khoảng 0,5 m, cách nhau 0,3-0,4 m để gà khỏi đụng vào nhau, mổ nhau và ỉa phân lên nhau.

Thức ăn của gà Mía

Về thức ăn, sau giai đoạn úm có thể cho gà ăn thêm rau xanh. Nếu nuôi hoàn toàn bằng thức ăn chế biến, có thể chọn cám Con Cò. Giai đoạn từ 1 – 21 ngày tuổi cho ăn thức ăn viên, mã số C225A. Giai đoạn 22 – 42 ngày tuổi cho ăn thức ăn viên, mã số C225B. Giai đoạn 43 ngày tuổi – xuất bán, cho ăn thức ăn viên, mã số P223.

Ngoài thức ăn công nghiệp có thể bổ sung thêm gạo, cám, thóc, ngô làm thức ăn thô và nên nuôi thêm giun quế hay ấu trùng ruồi lính đen làm nguồn cung cấp giàu đạm và dưỡng chất.

Chế thảo dược để phòng bệnh cho gà mía

Cũng như nhiều loại gia cầm khác, gà Mía thường hay bị bệnh nhất là hô hấp và tiêu hóa. Do điều kiện an toàn sinh học của nước ta chưa tốt, khu vực chăn nuôi thường rất gần với khu dân cư nên tình trạng dịch bệnh gần như luôn tồn tại.

Chính vì vậy, việc sử dụng kháng sinh trộn trong thức ăn để phòng dịch bệnh trở nên phổ biến và hậu quả của việc sử dụng kháng sinh tràn lan rất nhiều như kháng thuốc, tồn dư trong sản phẩm, nguy cơ gây ung thư và các bệnh khác.

Ở các nước phát triển như châu Âu, Nhật, Úc, Canada, Hàn Quốc đã cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn. Xu hướng không sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi ở nước ngoài đang trở nên phổ biến và việc sử dụng các giải pháp thay thế như thảo dược cũng đang được nghiên cứu và áp dụng.

Ở Việt Nam, hầu như chưa có nghiên cứu sản xuất và sử dụng các chế phấm có nguồn gốc thảo dược trong phòng, trị hội chứng bệnh đường hô hấp trên gia súc gia cầm.

Vừa qua Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có nghiên cứu một số chế phẩm thảo dược để giảm sử dụng kháng sinh trong phòng và trị hội chứng hô hấp cho gà Mía thương phẩm.

Cụ thể, các nhà khoa chọc đã sản xuất trà lá ổi cùng với bột kha tử. Nguyên liệu cần có gồm lá ổi tươi, nước, bột quả kha tử.

Cách làm như sau:

Cho 1kg lá ổi vào 10 lít nước đun sôi trong 15 phút, để nguội rồi lọc hết xác lá, chỉ giữ phần nước.

Quả kha tử khô nghiền thành bột quấy vào trà lá ổi với liều 2g /lít rồi cho gà uống tự do. Chúng có tác dụng rõ rệt làm giảm tỉ lệ mắc bệnh hô hấp và tiêu chảy.

Kỹ thuật cách nuôi dế mèn

 

Hướng dẫn nuôi dế cho năng suất cao

Chuẩn bị môi trường nuôi dế

Chuồng nuôi dế

Không cần quá cầu kỳ, chuồng nuôi của dế mèn có thể là xô, thau, hay chậu cũ có nắp đậy là được. Nhưng bạn cần đảm bảo chúng yên tĩnh và thoáng mát.

Nắp đậy có thể là lồng bát hoặc nắp xõ cũ có đục nhiều lỗ để tạo sự thông thoáng. Cứ ban ngày mở ra, buổi tối thì đóng lại dể tránh dế bay đi cũng như mèo hay chuột bắt dế.

Trước khi thả dế thì chuồng cần được rửa sạch và phơi khô để phục vụ việc chăn nuôi. Tùy theo điều kiện và phương tiện nuôi mà bạn bố trí sao cho phù hợp.

Nuôi dế giống bố mẹ (loại này là ép đẻ ) trong thùng có dung tích từ 40 – 50 lít thì thả được 10 dế đực và 20 dế cá. Còn trong thùng 80 -80 thì nuôi được 30 dế cái và 15 dế đực.

Kỹ thuật nuôi dế mèn

Kỹ thuật nuôi dế mèn

Thiết bị chăn nuôi dế mèn

Rế tre, máng đẻ hay máng thức ăn, nước uống cho dế cần đơn giản. bạn có thể dùng vỏ nghê cũng được hoặc làm bằng xi măng, đồ sành sứ. Kích thước các thiết bị không cần quá lớn để phòng tránh dế con bị ngã chết. (đường kính vào khoảng 10 tới 15cm, dày chừng 1,5 đến 2cm và sâu chừng 0,5 đến 1cm là được.)

Trong chuồng nuôi bạn đặt rế tre có đường kính từ 15 đến 20cm (loại rế đựng xoong nồi). Rế phải là loại có lỗ nhỏ và dày nuôi dế con mới nở đến 25 ngày tuổi. Còn loại thưa dùng để nuôi đến khi trưởng thành, thu hoạch. Xô 45l thì xếp được 10 rế, 40l là 15 rế.

Các rế xếp chồng lên nhau đủ tạo khoảng trống đặt máng đẻ, máng thức ăn hay nước uống cho dế. Đất đặt trong máng đẻ phải là đất sạch, tơi xốp và có độ ẩm vừa phải. Độ dày lý tưởng là từ 3 tới 4 cm. Đất bạn có thể trộn với xơ dừa xay. Bạn tuyệt đối không được dùng đất có kiến, đất bị nhiễm hóa chất. Trên cùng ban phủ thêm 1 lớp cỏ cho dế ăn ở, sinh trưởng, sinh sản là được.

Lựa chọn giống khi nuôi dế

Chọn những con dế to khỏe,đủ râu, cánh và chân. Bạn ghép chúng theo tỷ lệ 1 đực và 2 cái.

Tùy vào hình thức nuôi mà bạn quyết định số lượng dế giống. Trong chậu bạn nên đặt 1 khay nước, 1 khay đất (cho dế đẻ), 2 khay thức ăn và 3 cái rế cho dế đậu và trèo.

Lựa chọn giống

Lựa chọn giống khi nuôi dế mèn

Mẹo phân biệt dế đực, dế cái

  • Dế đực sẽ có cánh màu nâu pha đen, không bóng mượt.
  • Dế cái cánh màu đen, bóng mượt (nhìn trơn láng)
  • Dế đực bụng nhỏ hơn.
  • Dế cái bụng to hơn vì có trứng
  • Dế đực không có máng đẻ trứng.
  • Dế cái có máng đẻ trứng ở phần đuôi. Máng  giống cái kim khâu quần áo để dế có thể cắm xuống đất và đẻ trứng.
  • Dế đực kêu được (để ve vãn con cái)
  • Dế cái không kêu được.

 Thức ăn cho dế

Bạn có thể tận dụng nhiều loại thực vật như các loại cỏ, lá rau thừa, rau lang, rau sắn, lá đu đủ, cùi dưa hấu, dưa leo,… Chỉ miễn sao các loại thức ăn ấy được rửa sạch và không có thuốc bảo vệ thực vật là được. Cỏ cũng phải là có sạch và không nhiễm hóa chất.

Thức ăn cho dế mèn cần được đảm bảo

Thức ăn cho dế mèn cần được đảm bảo

Ngoài ra bạn có thể bổ sung cho dế các loại cám đã nghiền mịn đồng thời phải đảm bảo dế luôn có nước sạch để uống. Bạn nên dùn bình xịt nước tưới hoa để xịt để đảm bảo đủ ẩm và đặt một khay nước nhỏ để tránh dế trượt chân ngã chết trên trong. Nếu nuôi quy mô lớn thì bạn dùng bình có dung tích lớn, ngày phun 2, 3 lần tùy vào thời tiết là được.

 Cách nuôi dế sinh sản hiệu quả

 Vòng đời của dế sinh sản

Thả giống: Áp dụng tỷ lệ 1 đực 2 cái. Xô nhỏ thả 15 đực, 30 cái vừa mới trưởng thành. Xô lớn (80l) thì thả được 25 đực và 50 cái.

Đẻ trứng: Sau 2, 3 ngày đẻ dế bắt đầu đẻ trứng vào máng đẻ

Dấu hiệu dế sắp đẻ: Bạn sẽ thấy dễ mái thường thụt lùi và thường xuyên chọn cây kim ở đuôi xuống đáy xô. Lúc này chỉ cần đặt máng đẻ vào là dế sẽ đẻ ngay. Và đương nhiên trong máng phải có sẵn đất sạch và đủ ẩm. Khi thấy dế có dấu hiệu sắp đẻ thì đặt máng đẻ vào đẻ hàng đêm dế đẻ.

Cứ sau mỗi đêm thì bạn lại mang máng đẻ đi ấp và tối lai mang máng mới vào xô nuôi cho đẻ tiếp. Cứ 30 con mái thì mỗi đêm sẽ đẻ hàng nghìn trứng vào máng đẻ. Dế đẻ trong vòng 2 tháng thì bị thải.

Do bản tính dễ rất nhát nên bạn nên để máng đẻ vào buổi tối. Mỗi tối đặt vào một máng đẻ và sáng hôm sau lấy máng đó để vào xô ấp trứng ở khu vực khác.

Dế mèn có tốc độ sinh sản khá nhanh

Dế mèn có tốc độ sinh sản khá nhanh


 Kỹ thuật ấp trứng Dế mèn

Xô ấp trứng được thiết kế như sau:

Đáy xô bạn xếp 1 lớp đất xốp dày chừng 1cm, rộng 3cm. Tiếp tục đặt 3 cái máng trứng vào giữa xô và phủ lên đó 1 lớp cỏ mỏng. Mỗi ngày bạn phun nước 1 tới 2 lần để giữ độ ẩm hoặc trước khi cho máng trứng vào ô ấp trứng.

Bạn chuẩn bị 2 khăn lau mặt vuông (loại khăn chuyên dùng cho nhà hàng). Nhúng ướt rồi đặt dưới đáy thùng ấp rồi mới đặt máng trứng lên. Tiếp tục nhúng khăn thức 2 và đậy lên máng để giữ độ ẩm.

Xong việc thì đậy nắp thùng lại. 3, 4 ngày thay khăn 1 lần để giữ độ ẩm. Trứng nở cần nhiệt độ từ 25 đến 30 độ C. Sau 8 đến 12 ngày thì dế nở. Khi thấy dế đã nở hết thì lấy khay trứng ra và chuyển dế con vào xô ương để nuôi riêng.

Để dế đẻ nhiều và dế con khỏe mạnh

– Chuồng nuôi và thiết bị nuôi cần được vệ sinh sạch sẽ và khô ráo. Máng thức ăn thì phải che đậy, tránh nước làm ẩm mốc,…. Để máng đẻ vào đáy xô lệch sang 1 bên còn bên kia thì để máng thức ăn, máng nước, và úp chồng rế lên. Cuối cùng phủ lên rế ít cỏ tươi. Phun nước lên cỏ tươi mỗi ngày từ 1 đến 2 lần. Chú ý là phun sương thôi.

– Khi dế đẻ 1 ngày, chuyển máng trứng sang thùng ấp và đặt máng đẻ khác vào xô. Bạn có thể dùng thùng các tông loại dày hoặc khay nhựa có kích thước 60 x 40 x 20 cm để ấp trứng. Mỗi thùng chỉ nên để 8 đến 10 máng trứng thôi. Thùng áp phải kín, có nắp đậy (dùng lưới muỗi làm nắp đậy cũng được), theo dõi hằng ngày để tránh kiến gây hại….

 Chăm sóc dế sau khi nở

Giai đoạn mới nở đến 15 ngày tuổi

– Từ 2 khay trứng thì dê nở được khoảng 2000 con.

– Bạn nên xếp 1 tới 2 cái rế đặt xoong trong thùng để dế có chỗ đậu, leo trèo, trú ẩn.

– Trong chậu đặt 2 tới 3 khay thức ăn loại nhỏ.

– Do lúc này dế còn nhỏ nên các bạn không được đặt khay nước vào mà chỉ cho dế uống nước bằng cách phun nước vào búi cỏ hoặc lá rau để dế ăn. Hoặc cũng có thể dùng miếng vải tẩm nước cho dế hút nước.

Giai đoạn dế từ 15 đến 45 ngày tuổi

– Lúc này bạn có thể đặt khay nước vào cho dế uống vì dế đã lớn, không lo chết đuối. Thường thì nên đặt 1 khay nước và 2 khay thức ăn cho dế. Và nhớ cho thêm rế để dế đậu.

– Nếu nhiều dế quá thì bạn tách sang chậu nuôi khác để đảm bảo 1000 con 1 chậu.

– Bạn có thể thêm lá rau hoặc cỏ sạch cho dế ăn

– 1 ngày thay khay nước cho rế 1 lần và 2 ngày thì thay khay thức ăn. Nếu còn cám thì các bạn bỏ đi và thay cám mới. Tùy  theo tốc độ dế ăn mà bạn bỏ thức ăn vào cho phù hợp.

– Cứ 5 tới 7 ngày thì vệ sinh chậu nuôi 1 lần.

Chú ý: Khi dế trường thành thì đến đêm thường bay đi kiếm thức ăn và hoạt động tình dục. Do đó chiều tối bạn nên đóng nắp xô lại và đến sáng mở ra cho thoáng mát.

 Phòng trị bệnh và thu hoạch dế

 Phòng bệnh cho dế

Bạn cần thực hiện theo phương châm 3 sạch: ở sạch, ăn sạch, uống sạch nhất là khi thay đổi môi trường sống hay thời tiết thì càng cần phải chú ý vệ sinh và chăm nuôi cho tốt để tăng cường sức đề kháng và chống căng thảng cho dế.

Dế nuôi thường hay bị một số bệnh nhất là bệnh đường ruột.

Bệnh đường ruột

  • Nguyên nhân: Có thể do mật độ nhiều, chuồng nuôi nóng ẩm hoặc nước uống có lẫn phân, thức ăn. Những điều này gây ô nhiễm môi trường hoặc thức ăn bị ôi mốc, nước uống mất vệ sinh.
  • Triệu chứng: Dế đang ăn uống, khỏe mạnh bình thường nhưng đột ngột bỏ ăn uống rồi yếu dần. Râu thì bị gãy ngang, đi phân nước, trắng đục và 7 tới 10 ngày sau thì chết! Bệnh này rất dễ lây lan nhưng lại rất khó trị.
  • Phòng và trị bệnh: Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phòng bệnh là khi bạn phát hiện ra triệu chứng thì đã muộn mất rồi. Tốt nhất bạn nên giữ vệ sinh môi trừng sống của chúng cũng như đồ ăn thức uống phải thay rửa hàng ngày.

 Thu hoạch dế

Bạn dùng vợt nilon để thu hoạch, sau đó cho vào thùng giấy cùng với rế tre, cỏ tươi để khi di chuyển không bị chết. Hoặc bạn có thể đông lạnh sau khi rửa dế bằng nước sạch hoặc nước muối 2% và cho vào khay đông lạnh.

Chăm sóc và nuôi dưỡng dế khá đơn giản, ít vỗn cũng ít bệnh tật mà lại dẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao và ai cũng có thể nuôi được.

 Dế mèn và những điều bạn đã biết?!

 Đặc điểm của dế mèn

Dế mèn (tên khoa học Gryllidae) là một loại côn trùng và có chút liên hệ với châu chấu. Thân dế dẹt và có râu dài. Mỗi lần đẻ dế đẻ rất nhiều trứng và sau khi đẻ thì chết dần. Tuổi thọ trung bình của dế từ 2 đến 3 tháng tùy từng laoji. Kích thước trung bình của cơ thể với chiều dài cơ thể là khoảng 2cm.

Nếu để nuôi kinh tế thì nên chọn 2 loại là dế đen và dế trắng vàng. 2 loại này  hiêu suất sinh trưởng tốt, sống tập trung. Hơn nữa có thời gian thu hoạch ngắn và đầu ra tốt. Thịt dế thơm ngon được nhiều người ưa chuộng. Hơn nữa loại dế này có kích thước vừa phải lại không quá cứng nên vật nuôi có thể ăn được.

Trong tự nhiên thì dế sinh trưởng và phát triển quanh năm. Dù có bản tính hung hãn nhưng chúng lại thích sống bầy đàn. Môi trường sống cũng không quá phức tạp, có thể ở hang hay trong nhưng đám cỏ khô thì đều có thể chăn nuôi tập trung được. Chỉ cần bạn chú ý môi trường sống giống như tự nhiên là được.

 Tác dụng của dế mèn trong y học

Trong Đông y, đế có vị mạn cay và tính bình. Có tác dụng lợi tiểu và chữa bí đái. Tho y Tuệ Tĩnh thì dế mèn (5 con) sấy khô, tán nhỏ, rây bột mịn, uống với nước bìm bịp sắc lên, uống vào lúc đói có thể chữa bệnh cổ trướng, thở dốc . Còn theo các tài liệu nước ngoài thì dé mèn là loại giàu protit, ít chất béo sẽ làm giảm colestoron trong máu. Thịt dế mèn còn được dùng trong việc chữa nhiễm độc nước tiểu, sỏi thận.

Không những vậy dế mèn có có đầy đủ protit, lipit, glucid, nhiều khoáng chất như calci, phospho, kali, mangan, natri, sắt, và các vitamin khác. Những chất này rất cần cho sự phát triển cơ thể và não bộ của cả trẻ em và người lớn.

Kỹ thuật cách nuôi heo rừng thuần chủng

  Vài năm trở lại đây, ở một số tỉnh ở Đông Nam Bộ như Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Tp.HCM “ mọc ” lên những địa chủ nuôi heo rừng, có nơ...